seoulbeats: Âm nhạc & Lời ca: Tính trữ tình phức hợp của Kim Namjoon.

Bài gốc: Music & Lyrics: The Intricate Lyricism of Kim Namjoon

Viết bởi .

BTS RM được biết đến bởi nhiều điều – là một rapper kiêm nhà soạn nhạc tài năng, một người trưởng nhóm lôi cuốn, một thiên tài đa ngôn ngữ, và là một người hướng nội. Trong khi đã có nhiều lời đánh giá cao về ca từ không chỉ là của Namjoon mà của cả BTS, không mấy đặc biệt khi việc nhận ra vẻ đẹp của ca từ mà cậu ấy viết ra thường bị bỏ qua trong làn sóng nhộn nhịp đầy hào hứng của một đợt comeback, hoặc sắc thái tổng quan bị mất đi thông qua việc chuyển ngữ Hàn – Anh. Ngoài ra còn có những bài hát mà cậu rapper đã viết ra trong album solo của riêng mình, Namjoon đã làm việc với rất nhiều bài hát của BTS, đồng thời là những bài hát hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ khác. Qua nhiều năm, kể từ khi Namjoon trưởng thành với tư cách là một nghệ sĩ và phát triển từ thể loại Hip Hop, cậu ấy đã cho chúng ta thấy được tính trữ tình phi thường trong quá trình làm nhạc của riêng mình.

Bài hát đầu tiên nên được nhắc đến là “Ddaeng”, một bài hát không chính thức được sáng tác bởi cậu ấy cùng với các rapper còn lại của BTS, SUGA và j-hope, cùng với J. Pearl. Chỉ trong một verse của bài hát, Namjoon đã sử dụng từ “ddaeng” bằng năm cách khác nhau, tất cả chúng đều mang từng ý nghĩa khác biệt hoàn toàn.

“Âm thanh thu ngân tính tiền, ddaeng
Khi còn nhỏ, tao thích chơi hóa tượng, ddaeng
Tao ding-dong, mày ddaeng
Mày 7 kkeut, còn tao ddaeng
Ăn mì xong ngủ dậy, mặt mày ddaeng
Lũ thua cuộc, lo chuyện của mày đi
Nhìn tao này, tao là tất cả của tụi mày
Mày đỉnh cao? Ngầu lòi? Buồn cười hết sức.”

Dù cậu ấy sử dụng “ddaeng” như một từ tượng thanh, nhưng cách cậu ấy dùng nó lại khác nhau. Trong một trường hợp, cậu dùng nó để tả âm thanh của người thu ngân (hoặc máy thu tiền), ở trường hợp khác cậu dùng nó để chỉ một người làm điều gì đó sai, bởi “ddaeng” là âm thanh của chiếc chuông vang lên khi ai đó sai (và “ding-dong” là cho người đúng).
Trong những câu hát kế tiếp, cậu ấy nói về bài Seotda của Hàn Quốc, trong đó “7 kkeut” chỉ một tổ hợp bài xấu, và từ “ddaeng” đi theo sau chỉ việc cậu ấy có một tổ hợp bài tốt hơn. Cuối cùng, cậu ấy gọi khuôn mặt của những người thù ghét cậu ấy (haters) là “ddaeng” bắt nguồn từ cách diễn tả khuôn mặt sưng tròn vừa ngủ dậy sau khi ăn ramen. Trong câu cuối cùng, Namjoon đã sử dụng âm thanh “ttaeng” để vần với cả verse, trước đó là chơi chữ “thang”, tiếng lóng của “thing” (việc) để chứng tỏ quan điểm của mình.

Một bài hát khác mà Namjoon phô bày khả năng chơi chữ của mình là “Triva: Love”, bài solo của cậu trong album Love Yourself: Answer.

“Tôi chỉ là một con người, con người, con người mà thôi
Em bào mòn mọi góc cạnh của tôi
Và khiến tôi đây trở thành tình yêu, tình yêu, tình yêu
Chúng ta đều là những con người, con người, con người
Lọt thỏm trong vô vàn đường thẳng (của vòng tròn)
Tình yêu, tình yêu, tình yêu của tôi ơi
Nhẹ nhàng ngồi lên trên đỉnh, rồi sẽ hóa thành tim
[…]
Vì tôi sống nên tôi yêu
(Sống và yêu, sống và yêu)
[…]
Em biến I trở thành O
Nhờ có em mà tôi hiểu
Vì sao “con người” và “tình yêu” lại nghe giống nhau như vậy
Em biến cuộc sống thành tình yêu.”

Một lần nữa, Namjoon đã thay đổi tiếng Hàn và tiếng Anh để chơi chữ. Từ “con người” trong tiếng Hàn là “사람” (saram) và “사랑” (sarang) là “tình yêu”. Có thể thấy, hai chữ này chỉ khác nhau ở một điểm – góc cạnh được bo tròn lại. Khi nghe bài hát lần đầu tiên, nó nghe như Namjoon đơn giản là muốn nói về một người nào đó đã khiến anh ấy muốn trở thành một người có khả năng cho đi nhiều tình yêu hơn. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ về Hàn ngữ, hiển nhiên có thể nhận ra ca từ của cậu ấy sâu sắc hơn rất nhiều.
Cậu ấy tiếp tục dùng sự tưởng tượng này để chuyển hóa con chữ hình tròn thành một trái tim: “Nhẹ nhàng ngồi lên trên đỉnh, rồi nó sẽ thành trái tim”, cho phép cậu mở rộng việc chơi chữ của mình sang tiếng Anh. Dùng trái tim để biểu thị khái niệm tình yêu, cậu ấy thay đổi chữ cái “I” và “o” để nhấn mạnh hơn thông điệp của mình (“live – sống” đổi thành “love – yêu”).

Ngoài chơi chữ, lời ca của cậu rapper – nhà soạn nhạc này thường mang rất nhiều câu từ ẩn dụ. Lời ca trong “Singularity” của V, được viết bởi Namjoon, được liên kết chặt chẽ với ẩn dụ hữu hình về một chiếc hồ đóng băng và đá tuyết. Trong bài hát không có nhiều những ca từ phức tạp, nhưng Namjoon đã cô đọng cảm xúc của một mối quan hệ rắc rối bằng cách so sánh cá tính con người với chiếc hồ giữa mùa đông. Đá lạnh lẽo, chính là sự vắng bóng tình yêu. Đó là sự cứng rắn và lạnh lẽo của Trái Đất, không mang lại sự sống.

“Có tiếng reo vang, âm thanh ấy
Mặt hồ băng xuất hiện vết nứt
Tôi đắm mình vào chiếc hồ ấy
Tôi chôn vùi tiếng nói của mình vì người
[…]
Trên mặt hồ lạnh buốt nơi tôi chìm đắm
Phủ lên đó một lớp băng dày.”

Trong những tháng gần đây, ca từ của Namjoon cho ta thấy cậu hướng về ý tưởng của mặt trăng và mặt trời.
Trong “moonchild”, Namjoon viết:

“Dưới ánh mặt trời hơi thở nghẹn ứ
Phải giấu đi trái tim này thôi
[…]
Đứa con của trăng, bạn tỏa sáng
Khi trăng lên, là thời cơ của bạn
Tiến lên nào tất cả các bạn, con của trăng ơi, đừng khóc”

Và trong “4 O’Clock”, cậu ấy lại tiếp:

“Mặt trời bóp nghẹt hơi thở tôi
Và thế giới làm tôi hiện hình trần trụi
[…]
Chẳng thể làm gì, không còn cách nào khác
Tôi nhặt lại những mảnh vỡ dưới ánh trăng kia.”

Thật thú vị là mặt trời thường được gắn liền với một nguồn năng lượng khổng lồ, vĩ đại. Nó đại diện cho một khởi đầu mới, bắt đầu một ngày, ánh sáng, và bất cứ thứ gì vốn mang tính tích cực. Tuy nhiên, với Namjoon, cậu ấy lại ví nó với những khó khăn. Cảm thấy quá mức trần trụi và không được thứ gì che chở, ánh sáng ban ngày mang lại cho Namjoon cảm giác không mấy dễ dàng và không thể ngơi nghỉ. Mặt khác, mặt trăng thường hay gắn với mặt tối của tự nhiên: quái vật trong đêm đen, những thực thể phi siêu nhiên, và cảm giác u ám. Tuy nhiên, nó còn là một biểu tượng của sự thắp sáng, sự tự vấn nội tâm và phản chiếu, là thứ mà Namjoon thể hiện. Thay vì cách sử dụng thông thường về những biểu tượng văn học phổ biến, cậu ấy tìm kiếm ý nghĩa của riêng mình về chúng, điều đó đã khiến lời ca của cậu ấy mang tính cá nhân và đặc biệt hơn rất nhiều.

Thành thật mà nói, quá trình làm nhạc của Namjoon đã có quá nhiều bài hát để đưa ra bàn luận, đặc biệt là khi cậu ấy vẫn đang mở rộng thể loại và lời ca của mình, khiến cho âm nhạc của cậu ấy đa dạng hơn. Dẫu vậy luôn luôn có cảm giác thoải mái khi đọc ca từ của cậu ấy. Chúng mang lại những góc nhìn mới hoặc những quan điểm mà bạn chẳng bao giờ để ý, và đó là một trò chơi trong thầm lặng mỗi khi cậu ấy phát hành cái gì đó mới. Mối quan hệ giữa khả năng phát biểu và viết lách được thể hiện rõ ràng qua lời ca, và luôn là một vinh hạnh khi được nghe những gì cậu ấy mang lại.

 

 

 

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia