The Harvard Crimson: Phân tích MV: ‘Blood Sweat & Tear’ của BTS

Bài gốc: Music Video Breakdown: ‘Blood Sweat & Tears’ by BTS

Viết bởi Miranda Eng.


Trước khi BTS vươn đến danh vọng quốc tế và trở thành cỗ máy chuyên tạo hit, liên tục phát hành các ca khúc điện tử kết hợp cùng với các nghệ sĩ được yêu thích trong tuần trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 (“Boy With Luv” feat. Halsey, “Dream Glow” feat. Charli XCX, “A Brand New Day” feat. Zara Larsson, “Make It Right” feat. Lauv), họ đã có một thời kỳ hoàng kim thật sự. Album phòng thu thứ hai của BTS, “Wings,” là một cột mốc đặc biệt đáng chú ý bởi không gian âm nhạc đầy lạ lùng và ám ảnh mà họ tạo ra, cũng như là bởi bài hát chủ đề đặc sắc, “Blood Sweat & Tears.” Ca khúc được phát hành vào ngày 10 tháng Mười năm 2016, chỉ đạo quay bởi YongSeok Choi cùng Edie YooJeong Ko. MV này là một bức tranh hỗn loạn của sự hùng vĩ kỳ dị, gồm những cảnh trí các gian phòng rộng lớn được trang hoàng bởi đèn chùm lấp lánh và những tác phẩm hội họa thời Phục Hưng. Bất ngờ hơn, BTS không hề lược bớt những bước nhảy phức tạp đầy năng lượng, thứ khiến họ được yêu thích, trong khi vẫn lồng ghép thành công cốt truyện đan xen những hình ảnh tín ngưỡng vào một video dài sáu phút. Khi mới lướt qua, chủ đề của MV có vẻ như không hề liên quan với nội dung bài hát, nơi bày tỏ khát khao muốn được sa đọa, đắm chìm vào một tình yêu nhuốm màu tiêu cực. Nhưng khi xem lại lần thứ hai, yếu tố hình ảnh dường như bóp méo và định hướng lại, khiến cho xúc cảm khát khao của ca từ ấy chuyền dần hơn đến những cám dỗ mà ai cũng gặp phải trong đời chứ không chỉ là lòng ham muốn ái tình đơn sơ, biến MV đầy màu sắc này của BTS trở thành một mặc tưởng sâu sắc về bản chất tự nhiên của con người.

Video mở đầu với cảnh các thành viên của BTS – RM, Jin, SUGA, j-hope, Jimin, V, Jungkook – nô đùa trong căn phòng triển lãm hoặc đại sảnh của một dinh thự hào nhoáng. Dù có bị vây quanh bởi những đình cột cẩm thạch bóng bẩy cùng những bức tượng đầy tính nghệ thuật, các chàng trai cũng không hề mang lại cảm giác lạc lõng khi khoác trên mình những họa tiết sequin lấp lánh trên nền nhung gấm cầu kỳ. Không thể phủ nhận rằng cảnh quay và trang phục xa xỉ đắt tiền chính là một một cách thể hiện cho tình thần “khát khao cùng cực” mà bài hát hướng tới. Nếu tất thảy mọi lụa là xa hoa này cũng chẳng đủ để thỏa mãn BTS, thì hẳn họ đang khát khao một điều gì đó, thứ quan trọng hơn cả tiền bạc, thứ đòi hỏi những sự hy sinh, buông bỏ lớn lao hơn cả. Từ “máu, mồ hôi, và nước mắt” cho đến “cơ thể, tâm trí, và linh hồn,” BTS dường như đang mời gọi một ai đó, có thể là vị nhân tình trong mộng, cũng có thể là một thế lực quyền năng hơn để “lấy đi hết tất cả” của họ.

Đến lúc verse đầu tiên mang nặng âm thở nhường chỗ cho đoạn breakdown (1) điện tử mê hoặc, BTS đã vào đội hình hoàn chỉnh, lặng im như những pho tượng. Cùng lúc với phần beat drop (2), tất cả các thành viên đồng thời ngẩng đầu hướng lên trần nhà và đưa một tay lên tạo hình dải băng che mắt. Bởi những hình tượng tôn giáo được rải rác khắp MV – như bức tranh “The Fall of the Rebel Angels” (Sự Sa Đọa Của Những Thiên Thần Nổi Loạn) của Pieter Bruegel (cha), họa lại cảnh các thiên thần xua đuổi những người anh em sa đọa khỏi Thiên Đường; “Pietà” (Nỗi Xót Thương) của Michelangelo, bức tượng Chúa Jesus nằm trong vòng tay của Đức Mẹ Mary sau khi bị đóng đinh trên thập giá; hay là cảnh BTS đứng quanh một chiếc bàn dài bày biện những vật dụng bằng bạc, tái hiện lại danh tác “The Last Supper” (Bữa Tiệc Ly) của Leonardo da Vinci – vũ đạo này lột tả bản chất ngu muội và sự thách thức Chúa một cách ngoan cố của loài người.

(1) Breakdown: Là quá trình chuyển đổi từ cuối đoạn điệp khúc đến đầu verse tiếp theo của bài hát, có thể dưới dạng giai điệu hoặc ca từ hoặc chứa cả hai yếu tố.

(2) Beat drop: Một trạng thái chuyển đổi trong âm nhạc khi mà giai điệu được đẩy dần lên cao tạo sức căng và rồi đột ngột “hạ xuống” (drop) – thường xuất hiện sau đoạn pre-chorus hoặc bridge.

Trong đoạn lặp thứ hai của điệp khúc xuất hiện một vài động tác mới: Những cú đẩy hông đi đôi với động tác nắm đùi đậm chất Michael Jackson và body roll trên nền gạch bóng loáng với sự động tác hạ thân mãnh liệt. Rõ ràng là những chuyển động này không chỉ đơn thuần thể hiện cơn bốc đồng của những cậu thiếu niên đang khao khát mãnh liệt bởi sự điều khiển của hormone, mà chúng ám chỉ một điều gì đó lớn lao hơn về sự suy đồi của con người và ham muốn phạm vào tội lỗi.
(3) Body roll: Một động tác nhảy mà vũ công chuyển động cơ thể theo dạng sóng.
Ngay sau khi đoạn điệp khúc thứ ba kết thúc bằng một nốt cao sắc sảo, tất cả thanh âm đột ngột dừng lại, nhường đường cho đoạn phim chuyển giao. Trong khung hình mang màu sắc tương phản cao chỉ có đơn độc đen và đỏ, một bóng đen đứng đó, chậm rãi thả đi một chiếc bong bóng. Lời dẫn truyện xuyên suốt đoạn phim được thực hiện bởi RM, giọng của cậu chậm rãi đọc lại một câu trích từ tác phẩm “Demian” của Hermann Hesse, gợi nhắc một cuộc chiến vô hình giữa thế giới tội lỗi của mộng ảo và thế giới tốt đẹp của chân lý từ nội tâm sâu thẳm: “Anh ấy cũng là một kẻ cám dỗ (4); anh ấy, cũng là sợi dây liên kết đến thế giới thứ hai xấu xa độc ác mà tôi giờ đây chẳng còn muốn dính dáng gì thêm nữa.” (Demian, chương II: Cain). Giữa lúc thanh âm đàn ống kỳ lạ đột ngột vang lên, Jin tiến về phía một bức tượng hình người to lớn với đôi cánh đen trên lưng tượng trưng cho Lucifer. Việc Lucifer là tâm điểm của triển lãm thể hiện cách con người vô thức tôn sùng và đặt hắn trên bệ cao (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), cũng đồng thời lưu ý rằng con người đã coi thường sức mạnh của Lucifer bằng cách coi hắn như một vật giải trí. Góc quay vô cùng khéo léo đã quay lại cách cơ thể Jin chắn đi bức tượng khiến cho đôi cánh đen ấy như thuộc về Jin, báo hiệu cho việc cậu đánh mất ân điển của Chúa. Hành động Jin hôn lên bức tượng Lucifer đánh dấu cho sự khuất phục của cậu trước cám dỗ tội lỗi.

(4) The tempter: Kẻ cám dỗ, một cách gọi khác của Satan.

Vội vã và đột ngột, giai điệu “Blood Sweat & Tears” lại vang lên. Tiếng đàn điện tử dữ dôi đi kèm với những cảnh quay đầy hình ảnh hỗn loạn liên tục thay đổi – những cột nước đa sắc từ dưới đất bắn lên đóng khung bức tượng “Pietà” của Michelangelo, tượng Lucifer rơi dòng lệ màu xanh lá, những bước nhảy cuồng loạn. Đến gần cuối video, Jimin tháo xuống dải băng che mắt của mình, để lộ hàng lệ nhòa trùng màu như trên khuôn mặt tượng Lucifer, và Jin hướng mặt về phía máy quay, những vết nứt kéo dài trên khuôn mặt, vỡ thành từng mảnh như một con búp bê sứ. Hình ảnh này gợi ta nhớ về tiểu thuyết “The Picture of Dorian Gray” (Chân Dung Của Dorian Gray) của Oscar Wilde. Giống như Dorian, kẻ bán linh hồn và khiến bức chân dung của mình sẽ già đi, mục rữa và hứng chịu những hậu quả của sự buông thả thay cho bản thân, để hắn mãi hoài tươi trẻ, Jimin và Jin đã thỏa thuận với ác quỷ để hợp thành một thể với thực tại cùng với phiên bản nghệ thuật của thực tại. Tuy nhiên, không như Dorian, BTS đang mô tả một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa nghệ thuật và con người, rằng không chỉ nghệ thuật phản ánh cảm xúc của con người, mà chính con người cũng mô phỏng lại nghệ thuật. Có lẽ bài học thật sự của “Blood Sweat & Tears” của BTS chính là dẫu cho con người có hy vọng tìm được một cách để ngăn không cho những cám dỗ làm họ suy đồi, nhưng thực tế, nhân loại sẽ chẳng bao giờ có thể thoát khỏi những hậu quả phát sinh từ hành động của mình hay là che giấu bằng chứng của những hành vi phi đạo đức của họ khỏi tai mắt người khác một cách thành công được.

 

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia