London Korea Links: Chất nghệ thuật, tư duy sáng tạo và tính đa cảm: Vũ đạo khắc họa nên cái tôi cá nhân trong “FAKE LOVE”

Bài gốc: Artistry, Creativity & Emotionality: Choreographies of the self in “Fake Love”

Viết bởi COLETTE BALMAIN.

Tiến sĩ Colette Balmain đã nghiên cứu về bài hát chủ đề trong album Love Yourself 轉 Tear của BTS:

Fake Love

“FAKE LOVE” là bài hát chủ đề trong album phòng thu thứ ba của BTS Love Yourself 轉 Tear (họ cũng đã phát hành ba album tiếng Nhật, hai album tái bản, năm bản đĩa mở rộng và hai album đĩa đơn tính tới thời điểm hiện tại) và tiếp theo sau đó, vừa phù hợp với thời điểm và cũng vừa theo sát chủ đề, trailer comeback “Singularity” đã được cho ra mắt vào 6/5/2018. Ngay sau khi được phát hành, “FAKE LOVE” đã thống trị các bảng xếp hạng trong ngày và cả các bảng xếp hạng trực tuyến (Melon, Genie, Bugs, Mnet, Naver và Soribada) cũng như các bảng xếp hạng nhạc số của Instiz và đạt được perfect all-kill (PAK). Điều này xảy ra kể cả khi nhóm không có những chương trình quảng bá thường thấy cho các màn comeback hay sự xuất hiện ở những chương trình âm nhạc. Thay vào đó BTS quyết định ‘comeback’ tại BBMA’s, họ đã giành được giải top Social Artist năm thứ hai liên tiếp và trình diễn “FAKE LOVE” lần đầu tiên tại lễ trao giải này.

Love Yourself 轉 Tear đã ra mắt với thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng Billboard 200 và “FAKE LOVE” đạt hạng 10 trên bảng xếp hạng các đĩa đơn. Tầm quan trọng của việc này và thành tựu của BTS thực sự không thể xem thường. Love Yourself 轉 Tear là album đầu tiên bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh chạm được tới nóc các bảng xếp hạng của Billboard trong suốt 12 năm qua và cũng là album tiếng Hàn đầu tiên đứng đầu các bảng xếp hạng, trong khi “FAKE LOVE” là bài hát tiếng Hàn thứ hai đạt được thứ hạng cao nhất trong lịch sử (“Gangnam Style” của PSY đã có được thứ hạng 2 vào năm 2012). Sự thành công chưa từng có này đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đích thân gửi thư chúc mừng tới BTS vào 29/5/2018.

Album đã đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc ở tổng cộng 73 quốc gia trên thế giới kể từ khi phát hành. MV “FAKE LOVE” đã phá hàng loạt kỷ lục trên Youtube trong đó phải kể đến MV K-Pop đạt 10, 50 và 100 triệu view nhanh nhất (phá kỷ lục do chính nhóm thiết lập với “DNA”) và MV đạt 1, 2, 3, 4, 5 triệu like nhanh nhất. “FAKE LOVE” xếp hạng thứ 2 trong danh sách những MV được xem nhiều nhất mọi thời đại, vượt qua PSY và chỉ đứng sau “Look What You Made Me Do” của Taylor Swift. “FAKE LOVE” và Love Yourself 轉 Tear cũng đã công phá bảng kỷ lục của Spotify đối với một nghệ sĩ Hàn Quốc. Tour thế giới của họ gồm các buổi concert lần đầu tiên có mặt ở châu Âu, vé đã được bán hết sạch chỉ trong vòng vài phút. Tất cả những dẫn chứng trên đã cho thấy sức hấp dẫn và sự ảnh hưởng toàn cầu của BTS cũng như khả năng kết nối và lên tiếng thay thế hệ trẻ, điều mà chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của nền âm nhạc Hàn Quốc.

Việc hướng tới cả những tầng lớp nhỏ bé và bị xem thường là một yếu tố quan trọng làm nên sự nổi tiếng của họ, như việc BTS công khai ủng hộ các quyền lợi của cộng đồng LGBT (điều mà họ đã làm kể từ khi ra mắt vào 2013), bàn về căn bệnh trầm cảm cũng như những vấn đề sức khỏe tinh thần và cả việc họ thay đổi một số lời hát của “FAKE LOVE” trong các buổi diễn ở Mỹ vì cụm từ “내가” có nghĩa “I am” (được Latinh hóa là “Nae Ga”) có phát âm gần giống với từ N* (đây là một cách nói giảm nói tránh khi có ý nhắc đến “nigger” – 1 từ mang tính xúc phạm nặng nề). Hơn thế nữa, họ thường xuyên tương tác trực tiếp với các fan qua việc sử dụng các trang mạng xã hội. Ví dụ như sau khi giành được giải thưởng Top Social Media tại BBMAs và biểu diễn “FAKE LOVE”, BTS đã có một buổi live trên V Live để bày tỏ lời cảm ơn tới các fan của họ thay vì tham gia một trong rất nhiều các bữa tiệc hậu chương trình.

Và cuối cùng, BTS đã dựng nên cả một vũ trụ đa dạng phong phú thông qua các siêu văn bản và phương tiện khác nhau. Các fan có thể liên kết các dữ kiện theo bất cứ hướng nào họ muốn vì vũ trụ ấy không hề có giới hạn và ẩn chứa vô số điểm ra vào. Theo lý thuyết truyền thông, một trong những cách giải thích chiếm ưu thế nhất về những dạng văn bản ấy, đặc biệt là trên quan điểm của chủ nghĩa Mác hay chủ nghĩa Mác mới chính là đề cập đến Thuyết “Mũi kim tiêm” (1), nó cho thấy việc thông điệp được truyền tải một chiều từ các văn bản truyền thông đến công chúng. Dù sao thì các vị khán giả thời nay cũng không phải là những kẻ dễ bị bịp bởi truyền thông để rồi dại dột tin vào hệ tư tưởng nào đó và các fan thì 1) không phải tất cả đều là phái nữ và 2) có đủ khả năng bình phẩm và tư duy độc lập. Theo như Brodie Lancaster đã từng viết trong một bài báo trên Pitchfork vào 2015:

(1) “Hypodermic needle”: Thuyết này cùng với Thuyết “Magic bullet” – “Viên đạn ma thuật” cho rằng người tiếp nhận thụ động và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các phương tiện truyền thông. Họ mặc nhiên chấp nhận những thông điệp mà họ nhận được từ các phương tiện truyền thông mà không cần phải xem xét lại.

Theo như những quan điểm thường thấy ở các fangirl thì họ là những người tiêu thụ nhàm chán và nóng lòng “ngấu nghiến” bất cứ thứ gì mà ban nhạc sở hữu những mái tóc đáng mơ ước ấy đưa cho họ. Bản thân họ vẫn đang thách thức cách nhìn nhận đó theo cách của riêng mình và thể hiện điều đó trong một vũ trụ khép kín, tránh xa khỏi những “tiếng ồn trắng” ở thế giới ngoài kia, nơi cho rằng họ sẽ không hoặc không thể cảm thụ được âm nhạc với những mục đích “chân chính”.

Các fan của BTS, ARMY, có một mối quan hệ thân thích với BTS mà ở đó cả hai bên đều hỗ trợ lẫn nhau. Trong nghiên cứu của mình về fandom K-Pop tôi đã nhận thấy được sự quan tâm và chiếu cố mà các fan dành cho nhau cũng như là niềm khao khát đại diện cho fandom với những nhân phẩm đầy tích cực (như tránh các cuộc fanwar). Kết lại, tôi ủng hộ “sự nhận thức nam tính” của BTS, điều mà được thể hiện qua mối liên hệ khăng khít giữa các thành viên, sự can đảm chịu đựng những nỗi sợ hãi sâu thẳm bên trong và những cảm nhận về âm nhạc của họ đã đóng một vai trò quan trọng làm nên sức cuốn hút của nhóm, đặc biệt là trong thời đại chỉ toàn những “chất nam tính” có hại.

Đúc nên một lời nói dối tuyệt mỹ cho người

Vạch trần lời nói dối trong “FAKE LOVE”

“FAKE LOVE” tiếp nối ngay sau “Singularity” và đồng thời tiếp tục mở rộng Vũ trụ BTS mà tôi đã bàn luận trong phần nhận xét của mình về trailer comeback “Singularity”. Vũ trụ BTS là một ví dụ cho thứ mà chúng ta gọi là phương thức kể chuyện đa phương tiện, đa nền tảng được định nghĩa như là quá trình xây dựng nên “một thế giới giả tưởng phức tạp gồm nhiều nhân vật có mối liên hệ với nhau và những câu chuyện về cuộc đời họ” (Jenkins, 2007). Sự xuất hiện những điểm tương quan về mặt hình ảnh giữa “FAKE LOVE” với “DNA” (2017) và cả “Blood, Sweat and Tears” (2016) có thể được nhận thấy qua sự liên kết những gam màu, sự lặp đi lặp lại các động tác và cách họ quay cùng chỉnh sửa. “FAKE LOVE” cũng giống như các MV khác của BTS đều cho phép khán giả trở thành những người tạo nên ý nghĩa thay vì làm những khán giả thụ động. Jenkins từng viết “Quá trình gây dựng nên thế giới ấy đã thúc đẩy sự phát triển về mặt kiến thức trong cả người đọc và người viết”. Đây chính là một “thế giới luôn phát triển vượt khỏi tầm với của ta” và vượt ra khỏi những nỗ lực kiểm soát. Nghịch lý thay, có lẽ, cảm giác thỏa mãn mà những câu chữ ấy mang đến nằm ở sự bất lực của chúng ta trong việc sắp xếp và kiểm soát thế giới này (Jenkins, 2007). Điều này thể hiện khá rõ ở sự liên hệ giữa intertextual (liên văn bản) (2)metatextual (á văn bản) (3) giữa “DNA” và “FAKE LOVE” (và tất nhiên là cả “Blood, Sweat and Tears” nữa). Việc sử dụng khung lồng khung, vũ trụ lồng trong vũ trụ trong “DNA” như hình dưới đây, có thể hiểu như sự phô bày nhân cách qua các mâu thuẫn và bối cảnh hoá chúng dựa trên việc gợi nhắc lại con đường sự nghiệp của BTS. Lúc mới được phát hành, “DNA” chẳng phải là một bài hát ngợi ca lý tưởng về một tình yêu lãng mạn như mọi người tưởng. Thay vào đó, chúng ta có thể xem MV như một bài bình về quá trình gây dựng một mối quan hệ yêu đương thông thường hay những bài diễn ngôn chính trị gắn bó mật thiết với sự duy trì đặc quyền gia trưởng cũng như sự củng cố “định chuẩn hóa dị tính”(4) ở Hàn Quốc.

(2) (3) Intertextual và Metatextual: là những thuật ngữ được sử dụng trong lý luận văn học đề cập đến là sự tương tác giữa các văn bản trên phương diện chú thích, luận giải và phê bình.

(4) Heteronormativity: Quan niệm này cho rằng chỉ có xu hướng tình dục dị tính và những vai trò giới có liên quan mới là đúng chuẩn, còn những xu hướng và bản dạng khác với dị tính bị xem là không bình thường. Quan niệm này được cho là góp phần gây nên tình trạng kỳ thị người LGBT.

Framing the self in “DNA”
Đóng khung cái tôi cá nhân trong “DNA”

Thế giới được xây dựng công phu của “DNA” trong nền màu sắc bão hòa, kết hợp với hệ thống màu phối đỏ, xanh dương và vàng có nguy cơ bị xóa nhòa bởi khung cảm xúc u ám của “FAKE LOVE” và cách sử dụng các dải màu vừa hòa hợp vừa tương phản được thể hiện qua các cảnh quay trắng đen mở đầu MV.

Thông qua sự lặp đi lặp lại và những điểm khác biệt, “FAKE LOVE” khiến ta phải ngâm cứu lại “DNA” và toàn bộ Love Yourself 承 Her. Điểm đáng chú ý trong cách đọc hồi tố này nằm ở việc tại mỗi thời điểm quan trọng, mối liên hệ giữa bối cảnh và cận cảnh trở nên khác biệt thay vì tương đồng. Sự khác biệt này được mã hoá bởi màu sắc và được thể hiện thông qua cách ánh sáng bị thay thế bởi bóng tối. Ta có thể thấy được điều này trong cảnh quay cuối khi các thành viên đưa lưng về phía máy quay và nhìn về khoảng trời tối đen thăm thẳm đối nghịch với nơi đang “đóng khung” họ trong đó. Đây chính là gợi ý mang tính hình tượng cho bức màn u tối ẩn dưới lớp nền tưởng như tích cực của “DNA”.

Darkness absorbs light in “DNA”
Bóng tối nuốt trọn ánh sáng trong “DNA”

Để cụ thể hóa quan điểm này, sẽ rất hữu ích khi liên hệ đến trailer comeback “Singularity” bởi bài hát là một bước trung gian giữa “DNA” và “FAKE LOVE”.

“Singularity” mang nhiều hơn là chỉ một ý nghĩa. Ta có thể hiểu theo hai hướng như sau: 1) Tình cảnh khi trở nên khác thường hoặc phi thường và 2) Tâm của một hố đen được bao bọc bởi một “chân trời sự kiện”. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai thì ta có thể coi việc “DNA” mang hơi hướm trở nên u ám như một dấu hiệu ám chỉ tới nghĩa thứ hai của singularity. Nếu như vậy thì chiếc hố đen sẽ tượng trưng cho thứ gì? Và tại sao nó lại có liên quan ở đây? Đơn giản mà nói thì “hố đen là một điểm thuộc vũ trụ mà ở đó trọng lực trở nên quá mạnh mẽ khiến cho không một vật nào, thậm chí là cả ánh sáng, có thể thoát khỏi tay nó” (Curiel & Bokulich, 2009). Hố đen được cho là một vết rách trong không – thời gian liên tục và là một điểm mà ở đó không thể định rõ được quỹ đạo của một vật thể đi qua nó. Xét theo chiều hướng chính trị và tính tượng trưng thì hố đen có thể hiểu như một điểm có tiềm năng cấu hình lại định nghĩa và nhân dạng nằm ngoài hệ tư tưởng thống trị. Chẳng hề ngẫu nhiên khi cái kết của “DNA” lại trở thành màn mở đầu cho “FAKE LOVE”.

Theo như công trình nghiên cứu của hai nhà triết học Deleuze và Guattari (trong các bài viết chung và riêng của họ), điểm kỳ dị có vai trò quan trọng vì nó đánh dấu sự chuyển biến và biến đổi (nó trái ngược với sự tĩnh tại và ngưng đọng thời gian) do đó nó có tính liên kết với định nghĩa về hố đen ở trên. Trong cuốn sách The Three Ecologies (2005 [1989]). Guattari sử dụng thuật ngữ “singularization – rút gọn” để nhấn mạnh quá trình “mã hóa/ký hiệu hóa vật chất” mà qua đó chủ thể có khả năng được kết tạo (territorialized) và giải kiến tạo (deterritorialized) (5). Để phá bỏ hệ thống quy tắc đang kìm hãm và ngăn cản chủ thể ấy thì việc mở lòng đón nhận “những phương hướng mới của quá trình chuyển đổi ngôn ngữ (2005:25) là một xúc tác cần thiết cho sự thay đổi.

(5) Kiến tạo và giải kiến tạo: là những thuật ngữ triết học và được sử dụng trong cả lĩnh vực xã hội học, sử học, văn học… Trong bản dịch này, các thuật ngữ trên sẽ được hiểu theo khía cạnh văn học theo cách lý giải của các nhà Tư tưởng giải kiến tạo J. Hillis Miller, Barbara Johnson, Geoffrey Hartman, Paul de Man. Theo đó để nghiên cứu thực tại (như văn bản chẳng hạn), chúng ta cần phải thoát khỏi cái nhà tù của các kiến tạo xã hội, tức là phải “de-construct” – giải kiến tạo. Trong văn học, họ đề xuất cách đọc giải kiến tạo (deconstructive readings). Theo họ, văn bản không thể được coi là sản phẩm của một tác giả duy nhất với thông điệp duy nhất, mà chỉ là nơi gặp gỡ, tranh chấp của vô số các mối quan hệ xã hội. Paul de Man cho rằng mọi văn bản đều dựa trên các ẩn dụ và vì thế luôn luôn tự giải kiến tạo thông qua việc làm sai lệch ý nghĩa của chính nó. Paul de Man viết trong Tín hiệu học và tu từ học (Semiology and Rhetoric): “Văn bản văn chương đồng thời khẳng định và phủ nhận thẩm quyền của hình thái tu từ của chính nó, còn khi đọc văn bản như chúng ta vẫn làm chúng ta chỉ cố gắng tiệm cận đến mức cao nhất, với tư cách là độc giả, đến trạng thái nghiêm túc mà tác giả đã phải có để viết ra câu văn trong trạng thái ban đầu của nó”.

Trong “FAKE LOVE”, một trong số các đề tài trọng yếu chính là mối liên kết giữa bản ngã thực và ảo, giữa con người thực của chúng ta và kiểu người mà ta muốn trở thành, để khiến nó thích hợp với hệ tư tưởng đang chi phối toàn bài và câu chuyện về cái tôi cá nhân kéo dài xuyên suốt hệ tư tưởng ấy. Phép ẩn dụ về lớp mặt nạ chính vì thế đã làm nổi bật hành vi ngôn ngữ của những vai trò mà ta đóng trong cuộc sống hàng ngày và cách mà cơ thể được quy chuẩn rõ ràng bởi các hệ nhị nguyên trong diễn xuất, thứ mà đã kìm hãm tự do của ta trong việc định rõ bản thân. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây Judith Butler có nói rằng: “chẳng thể hiểu rõ được tính tự do của xã hội ngoại trừ những vấn đề nảy sinh giữa người với người, điều mà xảy ra khi họ làm điều gì đó cùng nhau hay trên thực tế, họ tìm cách để thiết lập hoặc tái thiết một thế giới chung” (Butler & Berbec: 2017).

Vì vật thể được coi như một vật nằm trong không và thời gian nên sự cởi mở đón nhận các phương hướng mới của quá trình chuyển đổi ngôn ngữ đòi hỏi cần có sự phân tích các tọa độ không-thời gian truyền thống và sự xây dựng các câu chuyện mới về quyền sở hữu. Thông thường trong các MV K-Pop, vũ trụ được coi như một thứ dị thường và như một không gian vận động của một vật thể trong vũ trụ. Những vũ trụ ấy được coi như là “các vũ trụ giả tưởng” vì chúng chẳng hề có bất cứ tọa độ về địa lý nào liên hệ với vật chất và thực tại của thế giới bên ngoài. Theo như Michael Fuhr thì những vũ trụ như thế “không đủ rõ ràng và cụ thể để có khả năng tạo nên tính đồng nhất/một nhân dạng” (2015:145). Trong “FAKE LOVE” thì hành động xảy ra ở nhiều chiều không gian sẽ không có mối liên kết nào về cả mặt thời gian lẫn không gian. Trong khi các thành viên đều kết nối với nhau trong những không gian trình diễn chính thì họ lại bị chia cách trong các thời không của diễn biến câu chuyện, ở đó họ cô độc, bản ngã của họ bị chi phối và theo dõi bởi một thế thân khác do đó nó khiến chủ thể thiếu đi sự thống nhất và an toàn. Những không gian này còn được sắp xếp theo chiều dọc và ngang cũng như được mã hóa bằng màu sắc nhằm làm nhấn mạnh sự phân tầng của tính chủ quan. Những không gian này rõ ràng có một mối liên hệ nào đó tới Vũ trụ BTS, kiến tạo nên những liên kết siêu văn bản qua lại theo thời gian, tạo ra những nếp gấp vũ trụ của chính nó, thay vì đánh dấu một nhận thức rõ ràng về sự phát triển theo thời gian. Vì thế vai trò của những không gian ấy là phơi bày bản chất đa dạng và luôn biến chuyển của một nhân dạng, đồng thời vạch trần sự dối lừa về một bản ngã cố định và cô độc đã tồn tại dai dẳng qua bao thời gian và không gian.

Stratified Space in “Fake Love”: performance and storyspaces
Không gian được phân tầng trong “FAKE LOVE”: màn trình diễn và nơi diễn ra câu chuyện

Trong khi nơi sân khấu trình diễn tươi sáng với những gam màu đậm là chủ yếu thì không gian diễn ra câu chuyện lại mang sắc nhạt là chủ đạo và tông màu xám xịt như trong những bức screenshot bên trên. Jungkook chạy dọc một tầng lầu đang sụp đổ; máy quay từ từ chuyển hướng xuống dưới cho tới khi đến được tầng chót nơi Taehyung đứng, cả không gian chỉ có mỗi nguồn sáng phát ra từ những chiếc điện thoại và được đóng khung kín cả hai bên. Ở chỗ khung vòm trên ô cửa, “Save Me” được sơn trên bức tường đằng sau, tạo liên hệ tới không gian xảy ra câu chuyện trong “FAKE LOVE” cũng như trực tiếp ám chỉ tới bài hát và MV “Save Me” (2016), tiếp nối sự mở rộng của Vũ trụ BTS. Vì thế cách sắp xếp không gian như vậy đã dần hủy đi tầm quan trọng của thể thống nhất và phá vỡ tấm gương phản chiếu lại vai diễn của các thành viên.

Chần chừ cất tiếng thì thầm với tấm gương, ngươi là ai?

Mirrors and Masks in “Fake Love”
Những tấm gương và mặt nạ trong “FAKE LOVE”

“FAKE LOVE” tiếp tục với câu chuyện về nỗi mất mát – về tình yêu và về cái tôi cá nhân – càng củng cố thêm ý nghĩa của trailer comeback “Singularity” được thể hiện vô cùng ấn tượng và tràn đầy xúc cảm bởi Taehyung (và được biên đạo bởi Keone Madrid). Trong bản nghiên cứu tâm lý của nhà phân tâm học Lacan, nỗi mất mát là điều cần thiết trong tình yêu. Trong Chuyên đề VIII, Lacan đã bàn về cách tình yêu vận hành dựa trên phép loại suy giữa một thứ quả chín mọng và một bông hoa xinh đẹp. Theo đó Owen Hewitson đã miêu tả như sau:

Hãy tưởng tượng trước mặt bạn xuất hiện một bông hoa xinh đẹp hay một trái quả chín mọng. Bạn vươn tay ra để lấy. Nhưng đúng vào khoảnh khắc đó, bông hoa, hay trái quả ấy, bùng lên ngọn lửa cháy rực. Tại nơi ngọn lửa ấy đang cháy, một bàn tay khác xuất hiện và vươn về phía bạn (2017).

Trong bài nghiên cứu của Lacan về lòng ham muốn và sự thỏa mãn, điều này được giải thích như sự diễn giải một cách thuần thục và mạch lạc tính bất khả thi của thứ khoái cảm tuyệt đối. Ông đã giải thích vấn đề này trong cuốn sách của mình bằng cách đưa ra các liên tưởng tới “Giai đoạn Gương soi” (Mirror Phase), ở thời điểm đó để đứa trẻ có thể gia nhập vào thời kỳ biểu tượng (thế giới của ngôn từ, tục lệ và ngôn ngữ), chúng phải được tách khỏi người mẹ – chủ thể nguyên bản của dục vọng (đối với cả nam và nữ), để từ đó tạo nên sự hòa hợp giữa lòng ham muốn và nỗi mất mát (giai đoạn ở trước thời kỳ biểu tượng được coi như sự tưởng tượng và thuộc về lĩnh vực của hình ảnh và hình phản chiếu). Theo Lacan, đối tượng của ham muốn là phallus [không phải dương vật mà là một vật, hoặc một biểu tượng nào đó đại diện cho dương vật] đối với cả nam và nữ: người đàn ông muốn có phallus trong khi phụ nữ mong muốn được là phallus (và chủ thể nguyên bản đã mất) và vì thế nên là đối tượng khao khát của đàn ông. Và tất nhiên là điều này chẳng hề lãng mạn chút nào đặc biệt là khi người phụ nữ phải chịu phận làm thứ còn lại để thỏa mãn dục vọng (cho dù điều này là hão huyền vì dục vọng lúc nào cũng đi liền với nỗi mất mát). Để dễ hiểu hơn thì chúng ta cần liên hệ đến phong cách giả trang được dùng đến lần đầu tiên bởi Joan Riviérè trong bài báo có tựa đề “Womenliness as Masquerade” năm 1929. Nhà sử gia nghệ thuật đồng thời là một viện sĩ, Tiến sĩ Jeanne S. M. Willette, đã có lời giải thích dễ hiểu như sau:

Riviérè đưa ra những điểm tương đồng giữa phụ nữ và người đồng tính luyến ái – hai đối tượng đều bắt buộc phải mang lên những tấm mạng che mặt: việc cường điệu sự “nữ tính” chính là một tấm mặt nạ giả trang của những người phụ nữ khao khát yếu tố nam tính được coi như một đặc điểm nhận dạng của họ và sự “nam tính” của một người đồng tính sẽ giúp họ giấu đi điểm “nữ tính” của mình bằng cách cường điệu hóa sự nam tính ấy lên. Giả trang chính là một yếu tố chủ chốt tạo nên một kiểu nữ tính mà đàn ông sẽ có thể chấp nhận được (2013)

Được viết vào cuối những năm 1920, vào đúng thời điểm làn sóng nữ quyền đầu tiên nổ ra, Riviérè lập luận rằng để phụ nữ lao động tại thời điểm đó không bị coi là mối đe dọa tới sự thống trị của đàn ông, họ cần phải trở nên nữ tính hơn nữa. Trong trường hợp này, “sự nữ tính” không phải là một tính trạng bẩm sinh dựa theo giới tính mà là một chiếc mặt nạ được mang lên để người đó trở nên phù hợp với hệ thống tư tưởng đang chi phối. Tương tự như vậy, “sự nam tính” cũng được dùng để che dấu bất cứ “sự nữ tình” nào có khả năng ảnh hưởng tới những giáo lý về định chuẩn hóa dị tính. Điều này được thể hiện qua việc bất cứ hành động không phù hợp với giới tính nào giữa các idol nam ở Hàn Quốc đều được chấn chỉnh lại bằng bạo lực (trong các show thực tế ta thường thấy các thành viên nam bị đánh hay đá như một hình phạt vì thua cuộc) nhằm khẳng định lại tính đàn ông và làm nổi bật sự nam tính của họ. Cần thiết phải chỉ ra rằng việc các idol nam ca ngợi nhan sắc của nhau cũng chẳng hề chứng tỏ họ không “thẳng” dù cho các video trên Youtube đều có vẻ ẩn ý rằng K-Pop chủ yếu đồng tính và/hoặc tất cả các idol đều là người đồng tính. Những video kiểu như vậy đều là kết quả của sự thiếu hiểu biết văn hoá. Việc nhất thiết phải xác nhận lại những ranh giới và phân tách rạch ròi giữa nam/nữ, nam tính/nữ tính, thẳng/đồng tính như thế chỉ cho thấy ý kiến chủ quan của những người làm video hơi là những gì họ đề cập đến.

Tuy nhiên trong “FAKE LOVE” các thành viên của BTS vẫn là những người bắt buộc phải mang theo mặt nạ để trở thành đối tượng của sự ham muốn. Điều này có thể được hiểu theo cả khía cạnh chủ quan lẫn khách quan. Việc có được một mối quan hệ tình ái (hay chỉ vì tình dục) thông thường dưới tư cách một idol gần như là không tưởng vì khi đó idol ấy sẽ không còn có thể trở thành người “bạn trai” hay “bạn gái” lý tưởng trong mắt fan nữa. Dưới góc nhìn của người phương Tây, điều này thật khó để hiểu nổi vì ở đây không hề có bất cứ điều lệ, quy định nào đối với mối quan hệ giữa fan và đối tượng cho lòng ham muốn của họ, hay còn gọi là bias, tất nhiên là ngoại trừ những vấn đề liên quan đến đạo đức nhân phẩm và trái với luân thường đạo lý rồi. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây cùng Scott Evans cho tờ báo “Access”, khi được hỏi liệu họ có hẹn hò hay không, RM đã trả lời rằng “Chúng tôi muốn tập trung cho sự nghiệp của mình… vậy nên nó khá là khó để hẹn hò” (2018). Trong các cuộc phỏng vấn khác thì cả nhóm đều nhắc đến fandom của họ, ARMY, như những người bạn gái của mình. Để có được một người bạn gái, bạn trai hay người yêu là một idol thì những lời dối gạt cần dùng đến có lẽ sẽ không đáng với công sức phải bỏ ra và đương nhiên, tin đồn hẹn hò có thể gây nên những ảnh hưởng xấu và tổn thất nghiêm trọng tới sự nghiệp của một idol. Vì vậy ngoài việc đặt trọng tâm đề tài lên những tấm mặt nạ và phong cách giả trang mà có thể có liên quan tới cuộc sống cá nhân của họ thì chúng cũng có thể là phép ẩn dụ cho những vấn đề họ phải trải qua trong sự nghiệp. Điều này có thể tóm gọn lại trong những lời hát sau: “Tôi ước rằng những khuyết điểm có thể được ẩn giấu / Tôi trồng một loài hoa không thể nở trong một giấc mộng chẳng thể thành hiện thực” và “Tôi thậm chí không còn hiểu rõ bản thân mình / Chần chừ cất tiếng thì thầm với tấm gương, ngươi là thứ quái gì vậy?” (2018). BTS, cũng giống như bao nhóm thần tượng khác, có rất ít thời gian cho riêng mình khi lịch làm việc của họ lúc nào cũng được ghi lại và đăng lên nhằm thỏa mãn nhu cầu người xem. Vậy nên rất dễ để đánh mất bản thân khi gần như lúc nào họ cũng được ghi hình lại và bị cả fan lẫn anti-fan soi xét từng hành động. Áp lực phải trở nên hoàn hảo trong ngành công nghiệp K-Pop đồng nghĩa với việc bất cứ điều gì dưới mức hoàn hảo đều được xem như biểu hiện của một nhân phẩm tồi tệ. Và đương nhiên chúng ta đều biết rằng sự hoàn hảo là điều không tưởng và chỉ có thể được tạo nên thông qua tác động chỉnh sửa của công nghệ. BTS đã chia sẻ về những căng thẳng họ phải đối mặt trong vai trò một idol và cả trong cuộc sống thường ngày của họ trong “Burn the Stage”: một series phim tài liệu gồm 6 phần về Wings Tour được công chiếu gần đây trên Youtube Red. Hiểu rộng hơn thì “FAKE LOVE” chính là hình ảnh phản chiếu những lo lắng bất an về mâu thuẫn giữa con người thực với con người của họ trước ống kính máy quay, và về cả những dối lừa về một sự hoàn hảo trung hòa giữa cả hai bản thể ấy.

Gắng sức chối bỏ chính bản thân và biến mình thành con rối của người

Jimin as puppetmaster in “Fake Love”
Jimin trong vai người điều khiển những con rối trong “FAKE LOVE”

Việc đánh mất bản ngã thực và thay thế nó bằng một nhân dạng ảo tồn tại như một tấm gương phục vụ cho lòng ham muốn của kẻ khác cũng được diễn tả qua phần vũ đạo. Popping được sử dụng xuyên suốt ở các phần xuất hiện vũ đạo trong MV vì những động tác nhanh, giật mạnh của nó thể hiện được hình ảnh con rối bị điều khiển bởi người múa rối như trong hình screenshot ở phía trên, bàn tay Jimin đưa lên quá đầu để nắm giữ quyền kiểm soát và vì vậy được đứng nơi vị trí đầy quyền năng trong khi các thành viên khác di chuyển xung quanh. Trong lĩnh vực nghệ thuật và vũ đạo, chuyển động theo chiều ngang gắn liền với sự nữ tính còn theo chiều dọc là sự nam tính. Trong bài “Toppling Dance”, Andre Lepecki đã giải thích như sau: “Nghệ thuật phối cảnh là hiệu ứng được tạo bởi chuỗi những đường nét trên một mặt phẳng tượng trưng (thường là mặt phẳng thẳng đứng) mà có thể đảm bảo được liên kết về mặt hình học trong chiều sâu không gian” (2006:74). Việc các chuyển động ngang được lặp đi lặp lại trong “FAKE LOVE” đã phá bỏ đặc quyền về giới tính của chuyển động chiều dọc tượng trưng cho phái nam và chuyển động chiều ngang cho phái nữ. Sự phá vỡ thế hai giới cũng được thể hiện trực quan qua những động tác mềm mại hay cứng nhắc; điệu bộ mềm nhẹ tượng trưng cho giới nữ trong khi động tác cứng rắn lại chỉ giới nam. Lis Engel đã chỉ ra rằng: “Điểm khác biệt giữa những nét vòng và nét thẳng là chúng tượng trưng cho hai giới nam và nữ trong nhiều nền văn hóa” (2001:365). Trong “FAKE LOVE” vũ đạo biến chuyển giữa tính nghệ thuật, sự kiểm soát, tính tự nhiên mạnh mẽ và nhẹ nhàng đến độ ngôn ngữ cơ thể của các thành viên đã “vượt xa khỏi những quy phạm về tính nữ và nam” (2001:365). Trong “The Choreography of Gender” Yamanashi và Bulman đã cho rằng “Khiêu vũ cho phép người đàn ông khám phá ra những đặc tính vốn từ lâu đã bị kiềm lại bởi sự nam tính truyền thống – ví như sự nhạy cảm về cảm xúc, đam mê đầy chất nghệ thuật và cả sự sáng tạo” (2009:612). Ta có thể thấy được điều này qua cách mà vũ đạo “FAKE LOVE” tránh dùng tới những động tác mạnh mẽ nam tính thường thấy trong hip-hop mà thay vào đó là sự nam tính hết sức mềm mại và đầy xúc cảm, không hề ngần ngại phô bày sự mỏng manh yếu đuối. Vũ đạo cũng cho thấy một ví dụ nữa thể hiện lên điều này: trong đoạn rap của Yoongi, cậu ấy đi ngang qua từng thành viên và cơ thể của họ đều gập xuống rồi gục ngã.

Lời kết: Tôi trồng một loài hoa không thể nở trong một giấc mộng chẳng thể thành hiện thực

Reaching for the flower

“FAKE LOVE” chính là BTS ở trạng thái dễ tổn thương nhất, hé lộ và phơi bày nỗi sợ hãi của họ xoay quanh sự nổi tiếng cũng như suy nghĩ về sự thoảng qua của tuổi trẻ, kết nối với khán giả của họ bằng sức sáng tạo đầy nghệ thuật và xúc cảm mãnh liệt. Việc sử dụng những động tác, đặc biệt là sự lặp đi lặp lại của động tác vươn tay mà chúng ta thấy trong các ảnh screenshot từ “Singularity” và “FAKE LOVE” trên đây có thể được hiểu là BTS vươn tay về phía người hâm mộ như một phương thức giao tiếp và an ủi. Đây là một phần trong việc BTS hướng tới cả cộng đồng LGBT và các nhóm người bị áp bức và chịu nhiều thiệt thòi. Thêm vào đó, thông điệp của họ chủ yếu hướng đến những người trẻ tuổi đang gặp khó khăn trong gia đình hay tại trường học, mà trong số đó có người đang phải trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng và có ý nghĩ tự tử, fandom của họ còn gồm cả những người như tôi – những người đã sớm giã từ tuổi thanh xuân, bởi chúng tôi nhận thấy rằng thông điệp họ truyền tải rất quan trọng trong xã hội hiện nay.

Theo kinh nghiệm của tôi với tư cách là một giảng viên, bệnh lý tinh thần trong giới trẻ đang trở nên phổ biến. Một nghiên cứu gần đây về sức khỏe tâm lý của người trưởng thành ở Anh cho thấy họ cảm thấy căng thẳng và lo lắng hơn 6 tiếng mỗi ngày: “Một cuộc thăm dò ý kiến ​​với 1.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 25 đã thống kê rằng, phần lớn thời gian họ đều cảm thấy lo lắng và áp lực về tiền bạc, ngoại hình, nghề nghiệp cũng như tương lai” với hơn một nửa không chịu tìm đến những hỗ trợ chuyên môn (Francis: 2018). Ở Hàn Quốc, bản chất cạnh tranh của hệ thống giáo dục và áp lực buộc con trai phải trả ơn mẹ bằng cách tham gia vào giới kinh doanh, trong khi các cô gái sẽ kết hôn và có con để đảm bảo sự duy trì giống nòi gia tộc, điều này được thể hiện qua sự tăng mạnh các vấn đề về mặt tâm lý (đây là vấn đề toàn cầu và không mang tính địa phương nhưng có sự cộng hưởng văn hóa cụ thể).

Trong một bài phát biểu về “Cấu trúc và giải cấu trúc gia đình Hàn Quốc”, Hyun Mee Kim đã thảo luận về nguồn gốc ban đầu của áp lực kinh tế xã hội này.

Quá trình này bắt đầu từ khi con cái của họ học mẫu giáo. Một khi người con nhập học và tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú, cơ hội được làm công việc hành chính của những thanh niên này càng lớn. Theo một cách nào đó, sự dạy dỗ của người mẹ đều hướng tới tương lai thành công cho con họ. Tại đây, sự thành công của những đứa trẻ lại trở thành một cơ hội và công cụ trợ giúp cho cả gia đình. Thành công đó sẽ được bảo đảm, nếu không nói là nâng cao cơ hội duy trì hoặc tiến lên giới trung lưu và thượng lưu trong xã hội của cả gia đình. Đổi lại, sự thăng tiến trong xã hội của gia đình đó nằm trong bàn tay săn sóc dạy dỗ của các bà mẹ.

Như vậy sự phân công lao động xã hội, vai trò trụ cột kinh tế và duy trì giống nòi đều bị chi phối bởi “định chuẩn hóa dị tính”. Hyun Mee Kim giải thích rằng: Hôn nhân và gia đình điển hình của Hàn Quốc được hiểu như một thể chế dị tính. Điều này duy trì tái sản sinh dân số thông qua phân công lao động theo giới (2017). Các bài hát và video âm nhạc của BTS (cùng các tài liệu đa phương tiện đi kèm) trực tiếp phê phán những vấn đề nổi bật này của giới trẻ là những diễn ngôn về bản sắc, giới tính và tình dục, đồng thời nó cũng nằm trong chiều không gian thay thế của “thế giới truyện”, nơi các fan có thể tương tác và hiểu được nếu họ muốn. Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay, Min Yoongi đã nói rằng: “Chẳng có gì to tát nếu bạn không có ước mơ, không có cũng không sao cả. Chỉ cần hạnh phúc là đủ rồi”. Quan điểm này đã được đưa ra trong “Paradise”, một ca khúc thuộc “Love Yourself 轉 Tear” được đồng sáng tác bởi Kim Namjoon (RM), Min Yoongi (SUGA) và Jung Hoseok (j-hope) và lời ca dưới đây có lẽ sẽ thích hợp để đặt điểm dừng cho đánh giá này.

Sẽ ổn thôi nếu dừng lại
Chẳng cần phải chạy khi còn chẳng rõ nguyên do 

Sẽ ổn thôi nếu không có ước mơ
Nếu như có được những khoảnh khắc mà tại đó bạn cảm thấy hạnh phúc

Sẽ ổn thôi nếu như ngừng lại
Giờ đây chúng ta sẽ chẳng chạy khi còn chẳng biết đích đến 

Sẽ ổn thôi nếu không có lấy một giấc mộng
Bạn vốn đã có được những hơi thở nơi thiên đường rồi

(bản dịch tiếng anh của Genius Lyrics)

Music Video Credits:

Đạo diễn: YongSeok Choi (Lumpens)

Trợ lý đạo diễn: WonJu Lee, Guzza, HyeJeong Park, MinJe Jeong (Lumpens)

Đạo diễn vũ đạo: HyunWoo Nam(GDW)

Trưởng ê-kíp: HyunSuk Song (Real Lighting)

Giám đốc nghệ thuật: JinSil Park Bona Kim (MU:E)

Quản lý xây dựng: SukKi Song

Hiệu ứng đặc biệt: Demolition

Biên đạo: Son Sungdeuk


Chú thích tham khảo:

Butler, J. & Berbec (2017). We are worldless without one another: an interview with Judith Butler. The Other Journal. [Online] https://theotherjournal.com/2017/06/26/worldless-without-one-another-interview-judith-butler/ (accessed 30th May 2018).

Curiel, E., & Bokulich, P. (2009). Singularities and black holes. Stanford Encyclopaedia of Philosophy. [Online] https://plato.stanford.edu/entries/spacetime-singularities/ (accessed 30th May 2018).

Deleuze, G., & Conley, T. (1993). The fold : Leibniz and the baroque. Minneapolis: University of Minnesota Press.

Engel, L. (2001). Body poetics of hip hop dance styles in Copenhagen. Dance chronicle, 24(3), 351-372.

Fuhr, M. (2015). Globalization and Popular Music in South Korea: Sounding Out K-Pop (Vol. 7). London: Routledge.

Guattari, F. (2005). The three ecologies. London: Bloomsbury Publishing.

Francis, G. (2018). Young People spend more than six hours a day feeling stressed out. The Independent. 28th February. [Online] https://www.independent.co.uk/life-style/mental-health-young-adults-stress-depression-anxiety-ocd-study-a8233046.html (accessed 30th May 2018).

Hewiston, L (2013). What does Lacan say about … Love. Lacanonline.Com [Online] http://www.lacanonline.com/index/2016/06/what-does-lacan-say-about-love/ (accessed 30th May 2018).

Jenkins, H. (2007). Transmedia Storytelling 101. March 2007. Henry Jenkins: Blog: Confessions of an Acafan. [Online] http://henryjenkins.org/blog/2007/03/transmedia_storytelling_101.html (accessed 30th May 2018).

Kim, H. M. (2017). The (Un)Making of the Korean Family. Video Lecture. Family, Gender and Social Change in South Korea (MOOC). Yonsei University. https://www.coursera.org/learn/social-change-korea/lecture/iPLF4/2-1-the-advent-of-manager-mothers (accessed 30th May 2018).

Lancaster, B. (2015). Pop Music, Teenage Girls and The Legitimacy of Fandom. Pitchfork. [Online] https://pitchfork.com/thepitch/881-pop-music-teenage-girls-and-the-legitimacy-of-fandom/ (accessed 30th May 2018).

Lepecki, A. (2006). Toppling dance: the making of space in Trisha Brown and La Ribot. In Exhausting Dance. New York ; London: Routledge, pp. 75-96.

Willette, J. S. M. (2017). Lacan and Women. Art History Unstuffed. [Online] https://arthistoryunstuffed.com/jacques-lacan-and-women/ (accessed 30th May 2018).

Yamanashi L. A. & Bulman, R. C. (2009). The choreography of gender: Masculinity, femininity, and the complex dance of identity in the ballroom. Men and Masculinities, 11(5), 602-621.

 

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia