Medium: Trivia 承: Love – Phân tích & bình luận

Bài gốc: Trivia 承: Love — An Analysis and Response

Viết bởi sarah c.


Một sự đánh giá cao dành cho “Trivia 承: Love” (viết tắt là “Love”), một bài hát từ album mới nhất của nhóm nhạc pop bảy thành viên BTS đến từ Hàn Quốc, Love Yourself 結 ‘Answer’, xuất phát từ sự thấu hiểu sâu sắc về những tác phẩm trong quá khứ của người sáng tác, cũng như cách viết lời đa tầng nghĩa đặc trưng của cậu. Kim Namjoon, còn được biết đến với nghệ danh RM, người đã sản xuất ra những ca từ sâu sắc truyền cảm hứng cho thập kỉ này, dù là cho những bản hit đứng đầu các bảng xếp hạng của cả nhóm BTS, hay những bản nhạc được phát hành trên Soundcloud của riêng cậu. Với bài bình luận này, những ca từ cũ của RM sẽ được phân tích để chỉ ra sự đối lập với ca từ của “Love”, quá khứ cá nhân của cậu và những khó khăn nghệ thuật cũng sẽ được đề cập đến để chúng ta có một cái nhìn thấu đáo hơn về ca khúc có thể dễ dàng bị bỏ qua này, so với những bài hát có ca từ về nỗi buồn giằng xé có thể hiểu ngay ở mặt chữ.

Một lựa chọn hiển nhiên cho sự đối lập trong ca từ sẽ là bài solo của RM trong full album của BTS phát hành năm 2016, Wings. Hoàn toàn trái ngược với chủ đề của Answer, Wings khai thác những khía cạnh từ cám dỗ đến tội lỗi, từ cảm xúc chán ghét bản thân đến sự bất an, tạo ra một nền tảng hoàn hảo cho bài hát của RM “Reflection” để bao quát toàn bộ câu chuyện của album. Ở “Reflection”, RM khẳng định rõ ràng ở verse đầu tiên rằng cậu “khá thường xuyên” căm ghét chính mình: “Khi tôi thật sự ghét bỏ chính tôi… Tôi đứng đó cùng với bóng tối quá đỗi quen thuộc này.” Dựa vào những dòng này, cậu nói về nỗi cô đơn tới day dứt của mình, khẳng định rằng những người quanh mình đều có nhóm có cặp. Tuy nhiên, cậu lập tức trấn an người nghe, bằng việc nói rằng “vẫn ổn thôi” bởi cậu cũng có bạn, người bạn đó là “nỗi sợ, nắm lấy tay tôi,” chỉ phần ca từ trước đó. Chỉ trong vỏn vẹn verse đầu tiên, chủ đề của “Reflection” đã hoàn toàn lộ rõ. RM đang hồi tưởng lại về nội tâm của mình khi đó và tự nhìn nhận lại bản thân. Về sau cậu cũng giải thích rằng bài hát được viết trong khoảng thời gian mà đời cậu có nhiều khúc thăng trầm, khoảng thời gian mà cậu cảm thấy bất định và lo lắng cho tương lai cũng như những gì sẽ xảy đến với cậu. Verse thứ hai của “Reflection” bắt đầu bằng những lời khẳng định với bản thân đầy táo bạo rằng, “Thế giới này cũng chỉ là một cách nói khác của tuyệt vọng.” Tư tưởng của RM tiếp tục được tiết lộ xuyên suốt toàn bộ ca khúc, và hiển nhiên bài hát được viết vào thời điểm bất ổn và đầy xáo trộn của đời cậu. Cậu tiếp tục khẳng định rằng “tất cả trong tôi là niềm vui đồng thời là sợ hãi,” tiếp theo đó là “lặp đi lặp lại mỗi ngày, tình yêu và ghét bỏ hướng về tôi.” Dòng này có thể được hiểu theo hai cách. Cách hiểu dễ dàng nhất là RM đang ám chỉ đến cuộc sống bị soi mói của người nổi tiếng. Ngày lại qua ngày, cậu nhận được sự ủng hộ vô bờ và tình yêu từ fanbase trung thành của BTS, nhưng thảng hoặc lẫn trong đó là những tiêu cực và thù ghét từ anti-fan hay những kẻ tự cho mình hơn người của giới Hip-hop Hàn Quốc. Tuy nhiên, đào sâu vào các tầng nghĩa trong ca từ của RM, một thứ luôn sâu sắc hơn bề nổi mặt chữ của nó, tình yêu và ghét bỏ mà cậu nhắc đến có thể là chính sự xung đột nội tâm của cậu, tình yêu và ghét bỏ mà cậu hướng tới bản thân mình. Câu này ám chỉ đến vòng tròn không dứt của quá trình học cách yêu lấy bản thân, một quá trình mà ở đó tình yêu và ghét bỏ tay trong tay song hành, cho đến khi tình yêu cuối cùng chiến thắng, chúng ta hi vọng là vậy. Như đã đề cập trong verse đầu tiên của “Reflection”, RM thường đắm chìm trong sự ghét bỏ chính mình, tuy nhiên, chuyển sang verse hai, cậu cũng cố thử yêu lấy bản thân mình. Thông điệp tổng quát của “Reflection”, cũng như của cả album Wings, ám chỉ rằng những nỗ lực đó không có tác dụng, thậm chí còn có thể kéo cậu lún sâu hơn vào cảm xúc ghét bỏ bản thân. Phần kế tiếp của verse thứ hai của “Reflection” thêm vào một khái niệm chưa từng được nhắc tới trước đó trong hành trình yêu thương bản thân: tình yêu được tìm thấy với một người khác. Ở đây RM nói đến việc tình cờ gặp gỡ với người trong định mệnh của mình. Có lẽ, bằng cách đề cập đến một khái niệm rất đẹp đẽ là định mệnh, RM đang cố thuyết phục bản thân rằng ở ngoài kia hẳn phải có ai đó dành riêng cho cậu. Rằng dẫu cho cậu không yêu bản thân, sẽ có một ai đó yêu thương cậu, lấp đầy lỗ hổng của sự chán ghét bản thân. Cuối cùng, kết thúc verse thứ hai, cậu khẳng định rằng mình “muốn được tự do,” nhưng đồng thời “muốn được giải thoát khỏi sự tự do ấy.” Ý nghĩa vế đầu rất rõ ràng và thẳng thắn – cậu muốn tự do, thoát khỏi cái vòng tròn của việc yêu thương và ghét bỏ bản thân đang đeo bám trong tâm trí mình. Vế thứ hai lại hơi khó nắm bắt. Tự do ở đây là gì? Đó là một khái niệm trừu tượng phải dựa vào nhiều hoàn cảnh và có tính tương đối. Không có một định nghĩa cụ thể của tự do, ý nghĩa của nó tùy vào từng người mà khác nhau. RM tìm kiếm tự do từ cái tự do theo cách hiểu của cậu – một sự tự do đầy biệt đãi có được từ sự nổi tiếng của cậu và BTS, một sự tự do khiến cậu buộc phải thấy hạnh phúc và biết ơn. Cậu kết thúc verse này bằng những cảm xúc đối lập: “Bởi ngay lúc này tôi hạnh phúc, nhưng cũng bất hạnh.” Rõ ràng rằng cậu thấy áp lực rằng cậu phải cảm thấy hạnh phúc, phải yêu lấy bản thân, phải biết ơn với cuộc đời cậu đang sống, cậu vẫn có những cảm xúc đó ở một mức độ. Tuy nhiên, chúng bị lấn át bởi cảm giác tội lỗi khi cậu ghét bỏ chính mình, đây không phải thứ cảm xúc cậu muốn có, nhưng đồng thời cậu cũng thấy mình không có quyền né tránh nó. Cuối cùng, “Reflection” kết thúc bằng đoạn outro, sự lặp đi lặp lại của lời cầu khẩn “Ước chi tôi có thể yêu lấy bản thân.” Không chỉ là bước chuyển đổi đến tác phẩm tiếp theo của BTS – chuỗi Love Yourself – mà còn là một lời cầu nguyện trong vô vọng, pha lẫn tuyệt vọng, một lời thuyết phục bản thân rằng cậu không chỉ xứng đáng nhận được tình yêu từ người khác mà còn cả cảm giác thanh thản từ bên trong chính bản thân mình. 

Khi mang “Reflection” so sánh với “Love”, khoan hãy đề cập đến ca từ, sự khác biệt ngay lập tức xuất hiện ngay từ âm điệu của hai ca khúc. Khi mà “Reflection” mang lại cảm giác tối tăm và tập trung vào những đấu tranh nội tâm, thì “Love” lại vui vẻ, tươi sáng, đánh dấu một chương mới của cuộc đời người sáng tác. Thậm chí cách biểu đạt trên sân khấu cũng đối lập thấy rõ. Trong khi biểu diễn “Reflection”, RM hiếm khi nào di chuyển khỏi vị trí của mình, và nếu có, thì chuyển động của cậu cũng rất có kiểm soát và giới hạn rõ ràng. Với “Love”, ngược lại, ta nhìn thấy được năng lượng trong từng động tác của cậu – cậu chạy từ sân khấu chính đến sân khấu phụ, tươi cười xuyên suốt màn trình diễn, nhún nhảy khắp nơi theo điệu nhạc và ca từ. Cậu muốn fan hát theo lời ca của mình và cùng chia sẻ với họ. Tuy nhiên, để có thể hiểu thấu được sự biến chuyển từ “Reflection” đến “Love”, chuỗi Love Yourself phải được nghiên cứu, so sánh những năm tháng thăng hoa đến với vinh quang và vị trí ngôi sao quốc tế của RM cùng BTS với những ngày đầu tiên của họ. Câu chuyện của Love Yourself chia ra làm bốn phần: Wonder, Her, Tear, Answer, và từng phần của album đi kèm với một Hán tự tương ứng. 起 (Khởi) cho Wonder đánh dấu sự khởi đầu, 承 (Thừa) cho Her đại diện cho sự phát triển, 轉 (Chuyển) cho Tear mang nghĩa chuyển biến, hoặc một cú ngoặt trong câu chuyện, và cuối cùng 結 (Kết) là đại diện cho một kết cục, hoặc một kết luận của câu chuyện. Và bằng những định nghĩa đó, chuỗi Love Yourself là một bản tình ca được kể lại thông qua bốn giai đoạn của quá trình học cách yêu thương bản thân. Wonder bắt đầu bằng cảm giác choáng váng và đắm chìm trong một tình yêu vừa chớm nở. Chuyển đến Her, nhắc tới số phận và định mệnh, phô bày một tình yêu nên thơ lý tưởng. Cuối album Her, mặt khác, sự hồ nghi được gieo vào trong ca từ, liệu tình yêu có tồn tại mãi mãi? Nó mang lại một sự chuyển đổi mượt mà đến Tear – một album đầy rẫy những xung đột nội tâm của một người khi phải đối mặt với nốt trầm trong tình yêu, theo sau đó là cảm giác vô dụng và căm ghét bản thân. Cuối cùng, bằng Answer, kết luận được rút ra là để yêu thương người khác, bản thân ta phải yêu thương chính mình trước. Ca khúc cuối cùng của Answer, mang tên: “Answer: Love Myself” không chỉ kết thúc toàn bộ câu chuyện của chuỗi Love Yourself, mà nó còn hàm nghĩa rằng các thành viên của BTS, bao gồm cả RM, cuối cùng cũng đã tiến đến hồi kết của trận chiến yêu thương và ghét bỏ bản thân – và tình yêu đã chiến thắng.

Các verse của “Answer: Love Myself” có thể được đối chiếu trực tiếp với ca từ của Reflection. Trong verse mở đầu, thành viên của BTS Min Yoongi, nghệ danh SUGA, đã khéo léo tổng kết quá trình yêu thương bản thân: “Có lẽ yêu thương chính mình còn khó hơn yêu thương người khác. Thừa nhận đi nào, những tiêu chuẩn tôi đặt ra cho bản thân còn khắt khe hơn hết thảy.” Cậu thôi thúc người nghe hãy tha thứ cho chính mình, liên hệ đến một ca khúc cũ của BTS, “Spring Day”, bằng dòng “đông phải đi, và ngày xuân sẽ lại đến.” Bài hát đong đầy tình cảm “Tôi đang học cách yêu lấy chính mình,” và “Cậu đã cho tôi lý do để tôi yêu thương bản thân,” cả hai đều đáp lại phần outro của “Reflection” mà ở đó RM ước rằng cậu có thể yêu bản thân. Tuy nhiên, verse của RM theo sau phần điệp khúc đầu tiên ngầm ám chỉ tới “Reflection”, có một đoạn mà cậu hát rằng “Tôi vẫn đang lần nữa tìm kiếm chính mình, nhưng tôi không còn muốn chết nữa. Tôi, một tôi từng buồn khổ, tôi, một tôi từng đau đớn, tất cả sẽ tạo thành một tôi đẹp đẽ hơn.” Bằng cách gợi lại nội tâm và cái tôi tự chiêm nghiệm mà người nghe liên tưởng tới “Reflection”. Tuy vậy RM đã nhanh chóng trấn an khán giả rằng cậu đã không còn buồn bã hay đau khổ, rằng cậu đã không còn muốn chết, thay vào đó cậu mong chờ sự trưởng thành của chính mình và vẻ đẹp trong cuộc sống của cậu. Trong verse của mình, cậu còn khẳng định rằng “Yêu thương bản thân nào có cần người khác cho phép,” có lẽ để ám chỉ đến những áp lực mà một người của công chúng, đặc biệt là người nổi tiếng tại Hàn Quốc, phải đối mặt; nhào nặn bản thân để trở thành một hình mẫu lý tưởng cho fan và giới truyền thông. Cậu đã đập bỏ áp lực đó, và cuối cùng cũng tìm được tự do của riêng mình, thứ mà cậu đã lùng sục trong những lời ca cuối cùng của “Reflection”. 

Những đấu tranh về việc yêu thương bản thân của RM chắc chắn có liên hệ với những khó khăn với tư cách là một nghệ sĩ của cậu. Cả cậu, và người bạn rapper kiêm producer của BTS, SUGA, bắt đầu sự nghiệp của mình từ giới Hip-hop underground Hàn Quốc, và rất nhiều người trung thành với những truyền thống gắn liền với giới này. Việc chuyển đổi của RM và SUGA đến với loại âm nhạc “thần tượng” đại trà là một sự từ bỏ không chỉ với cội nguồn của họ, mà còn với giá trị quan nghệ thuật của mình. Mặc cho sự rập khuôn thường thấy của ngành công nghiệp “thần tượng K-Pop,” BTS vẫn trung thành với bản sắc của mình, họ vẫn kiên trì viết và sản xuất âm nhạc của chính mình trong một nền công nghiệp mà ở đó điều này là rất hiếm thấy. Tuy nhiên, họ vẫn phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ những người cực đoan trong giới Hip-hop Hàn từ quá khứ underground của họ, những người đã mỉa mai và chế nhạo sự chuyển đổi của RM và SUGA đến với thế giới idol. RM đã nói về sự chỉ trích danh phận này trong ca khúc “Awakening” từ mixtape phát hành năm 2015, RM. 

“Yeah chết tiệt tao là thần tượng đấy, phải phải tao là một thần tượng
 Đã từng có thời tao ghét nó nhưng giờ đây tao rất vui lòng được nhận cái danh này
 Chứ chẳng như ai kia phủ nhận nó tới tận cùng trên sóng truyền hình
 Tao chấp nhận nó và giờ tao cứ làm việc của mình thôi
 Là thần tượng hay nghệ sĩ, thật lòng nhé, với tao chẳng quan trọng đâu.”

Ở đây, cậu đang kéo lại khoảng cách giữa hai danh phận của mình, và khẳng định rằng dù cho có đối lập đi chăng nữa thì bên trong cậu, hai danh phận này hòa làm một với nhau. Cảm xúc này được thể hiện trong title mới nhất của BTS “IDOL” mà ở đó RM cùng một rapper khác của BTS, j-hope, mở đầu verse bằng lời khẳng định đầy tự tin, 

“Bạn có thể gọi tôi là nghệ sĩ
 Hay cũng có thể gọi tôi là thần tượng
 Bất kể bạn gọi tôi là gì
 Tôi cũng chẳng quan tâm
 Tôi tự hào về nó
 Tôi tự do tự tại
 Không còn nữa những mỉa mai
 Bởi tôi luôn là chính tôi.” 

Verse này một lần nữa ám chỉ đến “Reflection”, giờ đây sự mâu thuẫn giữa hai danh phận này đã được giải quyết, RM, và BTS, đã đạt được tự do, thoát khỏi áp lực xã hội đặt lên vai họ bởi cả giới Hip-hop underground Hàn lẫn ngành công nghiệp thần tượng K-Pop. 

Mixtape RM là một tác phẩm đan xen giữa cảm giác thiếu an toàn, hồ nghi bản thân, và là một ngón tay thối bằng lời ca dành cho những kẻ căm ghét cậu. Trừ ca từ của “Awakening”, như đã đề cập ở trên, là bài hát dành cho haters, những ca khúc còn lại đều về sự bất an với chính bản thân mình. Với lời ca của mình, RM nói đến những khó khăn về sức khỏe tâm lý, cảm giác muốn tự sát, hậu quả của nỗi cô đơn day dứt và sự bất lực khi phải đối mặt với những khó khăn mà cuộc sống mang lại. Trong ca khúc thứ chín của mixtape, “Life”, RM khai phá chủ đề của nỗi cô đơn trong verse mở đầu, với những dòng như, “Tại sao lại không có từ trái nghĩa cho cô đơn,” và theo sau đó là một câu đáp rằng, “Có lẽ nào là vì con người, cho đến khi chết, không có khoảnh khắc nào là không cô độc?” Suy luận từ ca từ này, đôi lúc cái chết có lẽ là lối thoát duy nhất khỏi vòng xoáy của sự cô đơn, tuy nhiên, với phong cách đặc trưng của mình, RM nhanh chóng xoa dịu người nghe bằng cách nói rằng, “Cuộc sống tươi đẹp hơn khi ta biết rằng mình vay nợ cái chết. Cũng như ánh sáng được trân trọng hơn khi ở đó tồn tại bóng đêm. Mặt trời sẽ ló dạng sau khi ta vượt qua giông tố.” Thậm chí là trước khi viết “Reflection”, RM vốn đã hiểu rõ về những xung đột nội tâm của chính mình, và vẫn giữ cho bản thân hi vọng rằng một ngày nào đó, những xúc cảm này sẽ không còn quấy rầy cậu nữa. Trong phần bridge của “Life”, ngay trước khi kết thúc bài hát, RM hỏi, “Chúng ta chỉ sống để rồi chết đi, hay chúng ta cố gắng để được sống? Ghi trên bảng tên tôi, ấy là sự sống? Hay là cái chết?” Những dòng này một lần nữa đặt người nghe trở lại với sự bất an mơ hồ, ranh giới ngăn cách giữa sự sống và cái chết là vô cùng mỏng manh, mà chỉ một bước sảy chân cũng có thể khiến một người rơi vào một vận mệnh không thể vãn hồi mà chính bản thân người đó cũng chẳng hề mong muốn. Theo sau “Life”, track thứ mười của mixtape, “Adrift”, khẳng định rõ hơn những khó khăn của RM với việc yêu thương bản thân, nỗi cô đơn và cái chết. Như đã giải thích trước đó qua phần phân tích “Reflection” và chuỗi Love Yourself, RM cuối cùng cũng đã nhận ra được rằng việc yêu thương một ai đó là bất khả nếu ta không thể yêu lấy chính mình, và suy nghĩ này được thể hiện trong đoạn đầu của “Adrift”, “Dẫu cho tôi có ở cạnh ai chăng nữa, đâu đó trong tâm hồn tôi vẫn cảm thấy cô đơn.” Những từ này dẫn dắt đến chủ đề chính trong nghệ thuật của BTS sau này: bạn sẽ không bao giờ cảm thấy trọn vẹn khi yêu ai đó, nếu bạn chưa thể yêu thương chính mình. Khi RM vẫn phải đấu tranh với cảm xúc ghét bỏ bản thân, thì việc tìm kiếm tình yêu từ bên ngoài là không đủ, bởi nó không thể giúp cậu chỉnh đốn lại cách nhìn nhận giá trị bản thân, ngược lại càng khiến cho cậu cảm thấy thêm lạc lối và cô đơn, bằng chứng được thể hiện qua, “Ý nghĩa của bản thân tôi là gì, trái tim tôi ở nơi đâu? Tôi lênh đênh giữa biển trời mênh mông vô tận này.” RM một lần nữa chạm đến nỗi cô đơn của cậu, nhắc rằng, “Thành thật mà nói, tôi vẫn không biết vì sao tôi thường cảm thấy cô đơn,” dẫu cho biết bao nỗ lực cố gắng tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân, dẫu cho cậu không ngừng lặp đi lặp lại lời đơn giản “hãy sống hạnh phúc, thật hạnh phúc.” Tuy nhiên, cuối cùng RM cũng đã ám chỉ đến lý do vì sao cậu không thể hạnh phúc – cậu không hiểu hạnh phúc là gì. Phần mở đầu của “Adrift” nói rằng “Người ta nói chúng ta sống để được hạnh phúc. Nhưng đấy là cái gì?” cho chúng ta biết RM hiểu rằng người ta thỏa mãn trong đời khi giành được hạnh phúc cho bản thân. Nhưng cậu đấu tranh với tư tưởng rằng nếu ta không thể hiểu được hạnh phúc, vậy cuộc sống này có ý nghĩa gì nữa không? Những suy nghĩ khuynh hướng tự sát của cậu một lần nữa ám chỉ đến một hiện tại “quá cô độc,” nhưng lại thừa nhận rằng “cái chết lại quá đau đớn,” cho ta biết dẫu cậu vẫn có những suy nghĩ về việc tự sát, nhưng cậu vẫn chưa hoàn toàn đi tới kết luận hay thoải mái về nó. 

Cảm xúc này đồng hành cùng RM xuyên suốt 2015 và 2016, được thể hiện qua ca từ trong mixtape của cậu, “Reflection”, và lên đến cực điểm là ở “Always” được phát hành trên Soundcloud vào ngày đầu năm mới 2017. “Always”, một lần nữa, xoay quanh câu chuyện về sự tự chiêm nghiệm của RM trong mixtape RM và “Reflection”, thẳng thắn đề cập đến cảm xúc về tự sát, hiểu lầm, và cảm giác vô vọng với cuộc sống này. Mở đầu của “Always” trực tiếp khẳng định, “Một sáng nọ, tôi mở mắt và ước rằng giá như mình đã chết. Tôi cần lắm một ai đó hãy giết chết tôi đi.” Ca từ này là những lời trần thuật, công khai thừa nhận những suy nghĩ tự sát của cậu. Trái ngược với mixtape và “Reflection” tế nhị ám chỉ cái chết là con đường duy nhất để trốn tránh nỗi cô đơn, thì đây lại là một lời tuyên bố thẳng thừng. Ca khúc tiếp tục, “Tôi sống để tìm hiểu thế giới, nhưng thế giới này chưa bao giờ hiểu được tôi,” gợi lại về khó khăn trước đó của cậu với việc thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống, đã được nhắc đến trong “Adrift”, và cũng có thể là nỗi cô đơn, bởi không ai có thể thấu hiểu được cậu, như đã đề cập trong “Life” và “Reflection”. Nghệ thuật trong ca từ của cậu được thể hiện trong verse kế tiếp, qua những dòng,

“Nếu có khi nào tôi gặp được Chúa trời, tôi sẽ nói cho ngài nghe
 Rằng cuộc sống này là cốc cà phê tôi chưa bao giờ gọi
 Tôi sẽ nắm cổ áo ngài và nói
 Cái chết là cốc Americano mà ta không thể đổ đầy trở lại.”

Một lần nữa, RM thẳng thắn nói rằng cậu không bao giờ tha thiết cuộc sống mà cậu nhận được, rằng ngay từ đầu cậu chưa bao giờ mong cầu nó. Tuy nhiên, cậu cũng suy nghĩ về sự kết thúc của cái chết bằng cách so sánh nó với cốc Americano không thể đổ đầy trở lại – đơn giản nói rằng, chết là hết. Cậu tự hỏi, “Cậu có chắc mình đang sống? Vậy thì hãy chứng minh đi,” có lẽ đó là những cố gắng cuối cùng để thuyết phục bản thân, để cho cậu thấy rằng rằng cuộc đời này vẫn còn đáng sống, và tận cùng của nó không phải là tuyệt vọng và nỗi cô đơn. Tuy được đăng tải vào năm 2017, RM đã nói rằng cảm xúc được thể hiện trong ca khúc ấy là từ những năm 2015 và 2016, và đó không phải là tư tưởng hiện tại của cậu. Cuối cùng, RM cũng đã có thể dứt bỏ những muộn phiền đã đeo bám mình, được thể hiện rõ ràng trong ca từ của cậu vào thời điểm hiện tại, mở lối cho con đường dẫn đến yêu thương bản thân, đỉnh cao là bằng câu kết của “Answer: Love Myself”, một lời khẳng định rằng, yêu thương bản thân đã đánh bại sự ghét bỏ bản thân. 

Ca từ của RM trong ca khúc “So What” từ album Love Yourself: Tear, “Giờ đây tôi không muốn chết,” và trong “Answer: Love Myself”, “Tôi vẫn đang lần nữa tìm kiếm chính mình, nhưng tôi không còn muốn chết nữa,” một cú chuyển mình thành công từ những lời trần thuật muốn rời bỏ cuộc sống này trong “Always”. Ca từ trong mixtape RM, qua “Reflection” và “Always”, và cuối cùng là qua chuỗi Love Yourself để đến với Love Yourself: Answer là một ghi chép ghi lại những đấu tranh của cậu với cảm xúc ghét bỏ chính mình, sức khỏe tâm lý, và tự sát, bên cạnh là quá trình chữa lành, cùng với hành trình hướng đến yêu thương bản thân, hồi phục, và chấp nhận. Chính vì vậy, lời bài hát của ca khúc solo “Love” trông bề ngoài thì đơn giản nhưng lại đeo nặng những khó khăn của cậu ẩn sâu bên dưới, bài hát không chỉ về sự mộc mạc của tình yêu, mà còn mang ý nghĩa hơn thế bởi nó chính là hóa thân kết quả sau nhiều năm trời xung đột nội tâm, của đơn độc nghiệt ngã, và cảm giác bất lực từ RM. Giờ đây RM đã học được cách yêu bản thân mình, cậu có thể đường hoàng đón nhận tình yêu từ người khác mà không còn cảm thấy mình không xứng và vô giá trị. Cậu truyền tải một cách đẹp đẽ sự giản đơn của tình yêu khi một người đã biết yêu thương bản thân: 

“Tôi cảm nhận được nó
 Như mặt trăng nối đuôi mặt trời tỏa sáng
 Như móng tay dài lại thêm dài
 Như cây xanh thay vỏ mỗi năm trôi
 Rằng em chính là người làm cho kỉ niệm này của tôi có ý nghĩa” 

Qua những dòng này, cậu cho rằng tình yêu chẳng phải là pháo hoa đì đùng nổ hay những cử chỉ hào nhoáng, mà là xúc cảm chậm rãi tìm đến bạn vào lúc bạn không ngờ nhất, như cách móng tay dài ra tự nhiên, hoặc việc trăng lên khi mặt trời khuất bóng. Cậu cẩn thận không tô vẽ nên bức tranh tình yêu thơ mộng như được thể hiện qua Love Yourself: Her, mà tình yêu là một thứ rất đỗi tự nhiên khi học cách yêu thương chính mình. Cậu ám chỉ đến những khó khăn trong quá khứ bằng dòng, “Trước khi được biết em, trái tim tôi chỉ là những đường thẳng tắp,” và “Tôi chỉ là con người, con người, con người mà thôi. Em đã bào mòn mọi góc cạnh trong tôi, và biến tôi thành tình yêu, tình yêu, tình yêu đấy,” đồng thời cậu còn chơi chữ trong tiếng Hàn cho ‘con người’ (saram – 사람) và ‘tình yêu’ (sarang – 사랑), mà ở đó những đường thẳng và góc cạnh của âm tiết trong từ ‘con người’, được bào mòn, trở thành âm tiết trong ‘tình yêu’. RM đã từng đề cập đến mối quan hệ giữa kí tự con người và tình yêu trong tiếng Hàn trước đó, nói rằng chẳng phải ngẫu nhiên mà kí tự của chúng lại tương đồng với nhau đến vậy. Hai từ tiếng anh ‘live’ (sống) và ‘love’ (yêu) cũng được cậu so sánh như vậy, giả định rằng hai từ này cũng không ngẫu nhiên mà tương tự nhau. Cậu cũng đã đưa cảm xúc này vào “Love”, “Tôi sống để tôi yêu,” và “Em biến cuộc sống thành tình yêu,” đẩy lên cao trào với suy ngẫm rằng, cậu cuối cùng cũng hiểu “Vì sao một người lại nên sống bằng tình yêu.” Tuy nhiên, tình yêu tất thảy không phải đều rực rỡ như ánh mặt trời hay cầu vồng, bởi RM đã thể hiện sự ngờ vực về cảm xúc yêu thương vừa chớm nở, bằng những dòng, 

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi ra đi?
 Nếu tôi đi, liệu em có buồn bã?
 Nếu tôi không phải là tôi, vậy tôi là gì?
 Em có nghĩ rồi mai này em cũng sẽ bỏ tôi đi?” 

Tại đây, cậu lại trở về với những xúc cảm hồ nghi và cảm giác không xứng, ám chỉ rằng mặc dù đã học được cách yêu thương bản thân, nhưng trong cậu vẫn manh nha cảm giác mọi thứ sẽ có thể đổ vỡ chỉ trong một khoảnh khắc. Thêm vào đó, trong đó còn có nỗi sợ hãi rằng mặc dù cậu đã yêu thương bản thân, liệu có ai có thể yêu thương con người thật sự của cậu? Khi bài hát kết thúc, cậu hi vọng rằng sẽ có một người như vậy, và kết thúc nó bằng một lời khẳng định vững chắc cùng lời tuyên bố tình yêu dành cho bản thân mình. 

Không thể bàn cãi tính sâu sắc và liên kết trong ca từ của RM ở những ca khúc mà cậu đã chắp bút trong suốt sự nghiệp của mình, tuy nhiên, “Love” đôi khi lại bị xếp vào diện những ca khúc ít ý nghĩa hơn. Thông qua bài phân tích này, nhận định đó là sai hoàn toàn, bản tình ca tưởng chừng như vô tư của “Love” chỉ là bề nổi, những khó khăn và ngờ vực trong các ca khúc trước nó không chỉ giúp nhào nặn thông điệp của “Love”, mà còn hiện hữu giữa các verse trong bài hát. Hành trình yêu thương bản thân của RM, khởi đầu bằng mixtape của cậu, khai phá thêm trong “Reflection” và “Always”, và đạt đến đỉnh điểm với “Love”, và “Answer: Love Myself” chưa phải là điểm kết thúc, mà mới chỉ là điểm xuất phát của hành trình. Với một tương lai phía trước, nơi cậu sẵn sàng chấp nhận và tìm hiểu nhiều hơn về con người của chính mình trong quá khứ, con đường riêng của RM chỉ mới bắt đầu, và chắc chắn sẽ tiếp tục khai hoa nở nhụy với những ca từ sắp tới.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia